Liên tỉnh lộ 25B (TP. Hồ Chí Minh): Mới khai thác đã xuống cấp
Thứ năm - 07/07/2011 14:06Đại lộ Đông Tây một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM, với vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng tạo hành lang Đông Tây thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển... Dự án có tổng chiều dài gần 22km đi qua địa bàn 8 quận, huyện, trong đó có một đoạn hầm dìm vượt sông Sài Gòn. Hiện đoạn Đại lộ từ Q.1 đến Q.Bình Chánh (dài khoảng 13km) đã được thông xe, đưa vào khai thác, với tên mới là Đại lộ Võ Văn Kiệt.
Đoạn từ nút giao Liên tỉnh lộ 25B - Đại lộ Đông Tây đến nút giao Cát Lái, dài gần 4km mặt đường bê tông nhựa ở các làn đường dành cho xe tải lưu thông mới đưa vào khai thác đã bị lún nghiêm trọng. Đoạn lún nhiều nhất từ Liên tỉnh lộ 25B đến đường Lương Định Của, với độ lún sâu hơn 10cm, rộng 50cm kéo dài liên tục 800m, những vết lún sâu xuống mặt đường tạo thành những rãnh gợn sóng kéo dài.
Tại cuộc họp gần đây của Sở GTVT TP.HCM cùng nhà thầu và các đơn vị tư vấn giám sát để tìm nguyên nhân sụt, lún. Cuối cùng các bên cho rằng nguyên nhân chính là do xe ô tô chở quá tải và siêu trọng gây nên sự cố này. Tuy nhiên nhận định này không thuyết phục. Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa vận tải TP.HCM cho biết: “Nếu đổ lỗi do xe quá tải đi qua nhiều làm hỏng đường là không hợp lý, vì tại sao sự cố chỉ xảy ra có một đoạn, còn những đoạn khác xe tải cũng đi qua lại không vấn đề gì? Một ngày có hơn 15.000 lượt xe lưu thông, trong khi đó giới hạn tải trọng của các phương tiện vận tải này được Bộ GTVT cho phép”.
|
Đoạn bị lún sâu từ 10-15cm |
Còn theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Thường trực, Hội Cầu đường cảng TP.HCM: “Về mặt khách quan cho thấy toàn bộ các tuyến giao thông TP.HCM 60% nền đường nằm trong vùng ngập dưới mức nước thủy triều 1,4m (trong khi mức nước thủy triều hiện nay là 1,58m) vì thế toàn bộ nền đường trên nằm trên vùng đất yếu.
Cho nên việc lún của nền đường là khó tránh khỏi. Nhưng có 2 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lún: Do nền móng độ đầm nén chưa đạt yêu cầu và kết cấu bê tông nhựa không đạt chuẩn kỹ thuật đã cho xe chạy. Để khắc phục điều này, đầu tiên phải chú ý đến phần nền móng, nền móng làm tốt thì mặt đường ở trên không lún được. Nếu nền móng yếu mà mặt trên làm tốt thì đường vẫn lún. Theo quan sát của tôi, chủ yếu là do phần nền của chúng ta chưa tốt, kết cấu asphalt của bê tông nhựa chưa đủ”.
Lý giải điều này, kỹ sư cao cấp Trần Hải, chuyên gia tư vấn cầu đường - người trực tiếp giám sát thi công đoạn đường này cho biết: “Địa chất yếu dẫn đến lún nền đường, còn lún cục bộ như đoạn đường trên cần xem lại độ đầm chặt nền đường ở dưới lớp mặt đường asphalt và cấp phối lớp asphalt bên trên.
Có thể khi thi công kết cấu mặt đường, móng mặt đường đầm nén chưa đủ độ chặt để đạt đến độ cứng đáp ứng nhu cầu xe lưu thông, vì thế khi xe tải lưu thông tạo ra lún cục bộ tích lũy theo vết bánh xe và lâu ngày lún sâu tạo thành rãnh. Khắc phục đoạn bị lún trên bằng cách bù lún asphalt, nhưng còn thời gian bảo hành nhà thầu sẽ phải sửa chữa”.
Trên cơ sở các ý kiến của ban ngành chuyên môn và chuyên gia, cho thấy dù nguyên nhân nào đi nữa thì rõ ràng chất lượng công trình không đạt, việc thi công và nghiệm thu đều có chuyện, mà trách nhiệm ở đây không chỉ của nhà thầu, tư vấn giám sát mà còn của cả chủ đầu tư.
Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Đỗ Loan
Nguồn tin: Báo Giao Thông Vận Tải
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tham khảo ý kiến khách hàng
Đang truy cập :
46
•Máy chủ tìm kiếm : 38
•Khách viếng thăm : 8
Hôm nay :
1001
Tháng hiện tại
: 86038
Tổng lượt truy cập : 6350983