“Trẻ hóa” lịch sử (28/09/2010)
Thứ ba - 28/09/2010 09:13
Nhưng đáng ngạc nhiên là, thành nhà Mạc không phải công trình kiến trúc lịch sử đầu tiên bị tàn phá, và tất nhiên cũng không phải công trình cuối cùng. Hai năm trước, Đình Thụy Phiêu, ngôi đình cổ nhất ở Việt Nam đã bị biến thành ngôi đình giả cổ với mái ngói đỏ au, cột đá xanh lè trong ngoài trước sau sơn son thếp vàng! Một năm trước, ngay cả việc khai quật Hoàng thành Thăng Long cũng được đưa máy vào để xúc như cái cách đào bới... công trình thủy lợi! Ở đình Mông Phụ, khi xây mới, người ta vứt bỏ những viên đá ong hàng trăm tuổi mà sau đó vì quá tiếc, Họa sĩ Thành Chương đã xin mua lại. Rồi thì chùa Dâu được “trùng tu” với dáng vóc mới y cái quán Ngon. Phải ngạc nhiên vì ở ngay bên bờ hồ Gươm sự hủy hoại cũng đang diễn ra! Có một người không ngạc nhiên, TS Nguyễn Hồng Kiên, người chủ trì dự án Điều tra cơ bản về di tích kiến trúc cổ truyền của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ. “Tình trạng mai một kiến trúc cổ của ta, không phải chỉ vì những lý do khách quan như chiến tranh, thời tiết... Ngày xưa, là không có tiền để tu sửa, bây giờ thì nhiều khi lại vì có tiền mà thiếu hiểu biết nên được/bị tu sửa theo kiểu “hiện đại hoá”. Ông nói sau cuộc điều tra. Và một ví dụ rất dễ kiểm chứng là tượng vua Lê, ngay bên Bờ Hồ, cũng đang được đối xử với một cách thức y hệt. Theo TS Kiên, người ta đã “gộp” hai di tích Đình Nam Hương và tượng vua Lê vào làm một. Ở đó, có những con “rồng” bò ngược theo cầu thang mà “20 năm làm trùng tu di tích, chưa từng thấy con rồng bò ngược”.

GS William Logan, Chuyên gia thẩm định, đánh giá di sản thế giới của UNESCO khi được hỏi về phong trào trùng tu di tích ở Việt Nam đã trả lời: “Giá trị các di sản thế giới nằm ở tính chân thực, nguyên gốc của nó. Bêtông hóa sẽ phá hỏng tính nguyên bản của di tích, di sản. Theo tôi, làm mới nhưng cần nghiên cứu cụ thể”.
Chuyện tôn tạo cổng thành nhà Mạc ác nghiệt thay, lại được coi là dự án trùng tu với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng! Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một trong số những người đầu tiên phát hiện vụ “Thành nhà Mạc thất thủ”, viết như sau: Người ra đã gọt bỏ rêu phong, phá bỏ các phom cổng, các bức tường thành lưu dấu mấy trăm năm dâu bể, để dựng nên tại đó một cái “lò gạch” nằm trọn vẹn, tơ hơ, gạch mới đỏ au, tinh tươm, mới mẻ từ chân lên đầu, từ trong ra ngoài, trét ximăng trắng lốp tứ bề, xung quanh “đảo” là chi chít cọc bằng inox sáng choang với xích sắt to bằng ngón chân cái.
Tuy nhiên, sự ngạc nhiên nhất lại là ở chỗ tất cả đã được thực hiện theo các quy trình có đủ các báo cáo, thẩm định, bút phê; tiền đập thành cổ xây mới là tiền nhà nước, từ túi nhân dân; việc đập thành cổ đó đang được những người có trách nhiệm coi là... bảo tồn.
Tác giả bài viết: Anh Đào
Nguồn tin: Đại đoàn kết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tham khảo ý kiến khách hàng
Đang truy cập :
8
Hôm nay :
1011
Tháng hiện tại
: 20324
Tổng lượt truy cập : 6481546