Đề án kiên cố hoá trường lớp học đến năm 2015: Ngành giáo dục cần 40.000 tỷ đồng (17/03/2011)
Thứ năm - 17/03/2011 17:48
Tiến độ chậm, nhiều địa phương thiếu phòng học
Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã ký, tiến độ kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 thực hiện đã cơ bản đạt đúng kế hoạch giải ngân nguồn vốn trái phiếu. Kế hoạch của đề án có tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện là 18.582 tỷ đồng, thực hiện xây 107.705 phòng, trong đó 83.519 là lớp học, 24.186 nhà công vụ cho giáo viên. Tuy nhiên, số lượng phòng học và nhà công vụ đã đưa vào sử dụng còn khá hạn chế.
Trong 2 năm (2008-2010) mới chỉ có 55.372 lớp học (đạt 66,3% kế hoạch) được đưa vào sử dụng; nhà công vụ gồm 17.222 phòng (đạt 71,2%) hoàn thành đưa vào sử dụng. Cũng giai đoạn này nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã giao cho các địa phương là 75% kế hoạch (12.846,6 tỷ đồng), bước sang năm 2011 đã chi thêm cho các địa phương 2.500 tỷ đồng, đạt tổng nguồn vốn đã giao là 89,6% kế hoạch (15.346,6 tỷ đồng). Trong đó, 31 tỉnh thành đã được phân bổ 100% nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa tại các tỉnh, thành là 5.724 tỷ đồng, 15 tỉnh huy động được nguồn vốn của địa phương đạt kết quả cao, 14 tỉnh khác bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương chưa đạt yêu cầu theo tinh thần Quyết định của Chính phủ.
Hiện trên phạm vi cả nước có 7.587 phòng học và 2.751 nhà công vụ cho giáo viên chưa được triển khai xây dựng. Có 12 tỉnh triển khai trên 70% đề án, phần lớn nằm ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc trung bộ; 6 tỉnh chậm tiến độ chỉ đạt dưới 35% kế hoạch gồm Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Bình. Theo thông tin từ Cục nhà giáo (Bộ GD&ĐT), trên toàn quốc hiện còn rất nhiều tỉnh, thành thiếu trầm trọng nhà công vụ dành cho giáo viên và lớp học. Tập trung nhiều nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh thuộc Tây Nguyên và các địa phương miền núi của miền Trung. Nhiều địa phương do đường xá đi lại phức tạp, khó khăn, việc củng cố cơ sở vật chất vẫn chỉ là gắng gượng, chắp vá. Ngoài một lượng lớn nhà công vụ và lớp học tiếp tục được xây dựng cho giai đoạn mới đến năm 2015, ngành giáo dục còn phải cần tới 10.200 tỷ đồng giải quyết tình trạng 25.000 phòng học tạm, học nhờ tại các địa phương miền núi. Bước sang năm 2011, tình trạng thiếu phòng học, nhà công vụ còn phổ biến tại nhiều tỉnh, thành.
Một trong những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới tiến độ triển khai đề án bị chậm là do giá cả nguyên vật liệu tăng cao, các địa phương chưa chủ động bố trí ngân sách địa phương tham gia thực hiện đề án; nhiều địa phương phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ chưa đảm bảo cơ cấu vốn đúng theo yêu cầu. Mặt khác, cơ chế còn bó hẹp về thủ tục đầu tư, sự hạn chế huy động nguồn vốn địa phương, quy mô đề án quá rộng, nên tiến độ triển khai thực hiện đề án còn chậm và không đồng đều. Nhiều địa phương vẫn tồn tại cảnh học sinh học 3 ca, học lớp ghép, học nhờ; giáo viên ở nhà mượn, nhà tranh tre, nứa lá, đời sống sinh hoạt hết sức khó khăn.
Thừa nhận những khó khăn làm chậm tiến độ đề án, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ rà soát lại đề án tại các tỉnh, thành; bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để hoàn thành kế hoạch đặt ra. Theo đó, giai đoạn đến năm 2015, ngành giáo dục cả nước cần được bổ sung gần 40.000 tỷ đồng xây mới 63.000 phòng học, 35.600 nhà công vụ và giải quyết 25.500 phòng học tạm, học nhờ mà giai đoạn trước đó chưa thực hiện xong.
Tác giả bài viết: Hoàng Anh Thắng
Nguồn tin: Đại đoàn kết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tham khảo ý kiến khách hàng
Đang truy cập :
6
Hôm nay :
1153
Tháng hiện tại
: 60513
Tổng lượt truy cập : 6325458