Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội: Còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận (10/09/2010)
Thứ sáu - 10/09/2010 08:42
Theo VUSTA, Đồ án có quy mô lớn, yêu cầu phức tạp thuộc nhiều lĩnh vực, lại do tư vấn nước ngoài thực hiện trong thời gian quá ngắn, vì vậy còn nhiều vấn đề bất cập, không phù hợp và thiếu tính khả thi.
Thực tế là Hà Nội hiện mới đang xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 vẫn chưa có, các quy hoạch ngành đã có nhưng đang được điều chỉnh sau khi sáp nhập vào Hà Nội toàn bộ Hà Tây và một số địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và Hòa Bình. Vì vậy, Đồ án được lập thiếu các căn cứ khoa học từ các dự báo phát triển kinh tế, về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đến dự báo phát triển lĩnh vực xã hội, về phát triển dân số, giáo dục, y tế, thể thao... Từ đó dẫn đến định hướng phát triển, quy mô, tính chất về các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội... thiếu tính thuyết phục, thiếu khả thi và không có tính bền vững.
Trục Thăng Long - lãng phí, không cần thiết
Về trung tâm hành chính, theo VUSTA, Đồ án sửa đổi lần này đã khẳng định Trung tâm Hành chính – Chính trị Quốc gia tại Ba Đình và một số địa điểm xây dựng trụ sở bộ, ngành gần trung tâm thành phố là hợp lý, nhưng vẫn đề xuất giữ đất Ba Vì làm quỹ dự trữ là không hợp lý, vì từ nay đến năm 2020 các bộ, ngành đã ổn định, mặt khác với chính phủ điện tử chắc chắn chức năng quản lý nhà nước sẽ được cải thiện nhiều so với hiện nay. Ba Vì là khu sinh thái lớn, “lá phổi” quý báu của Hà Nội, có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, vì vậy cần phải gìn giữ, bảo vệ. Không nên dành quỹ đất ở đây cho việc xây dựng. Hà Nội mở rộng có diện tích rất lớn, vì vậy hoàn toàn có thể dự trữ đất xây dựng tại những khu vực khác
Theo phân tích của VUSTA, việc đề xuất làm đường Hồ Tây-Ba Vì còn thiếu căn cứ khoa học nhất là khi chúng ta đang tập trung đầu tư xây dựng Đại lộ Thăng Long, đường mới Tây Thăng Long, đường sắt Láng - Hòa Lạc, nâng cấp đường 32. Trong khi dự báo tăng dân số của đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây lên đến gần một triệu người là không có cơ sở. “Do đó, việc đặt vấn đề xây dựng đường Hồ Tây - Ba Vì và Trung tâm Hành chính Quốc gia tương lai không còn lí do thỏa đáng để tồn tại, chưa nói đến việc gây lãng phí đất đai, không phù hợp với tổ chức giao thông và cảnh quan đô thị”.
Trên căn bản các ý kiến không đồng thuận của các nhà khoa học, VUSTA kiến nghị, chưa nên thông qua “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” như đã trình. VUSTA cũng đề xuất, khi có đồ án chính thức, đề nghị giao cho VUSTA tham gia là một trong các bên của Việt Nam phản biện độc lập cho Đồ án. Bởi hiện nay mới chỉ có hai cơ quan phản biện nước ngoài.
Phương Thảo
|
Ông Phạm Ngọc Đăng |
Về mặt kinh tế xã hội, đi ngược lại với động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô: Các vùng phát triển công nghiệp chủ yếu ở phía Bắc, phía Đông và một phần ở phía Nam, trong khi định hướng phát triển trung tâm HCQG, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai lại về phía Tây, với quy mô dân số ở các đô thị này rất lớn (đến năm 2050, Xuân Mai: 30 vạn, Sóc Sơn: 36,5 vạn, Hoà Lạc: 75 vạn), không hiểu sẽ giải quyết việc làm và nhà ở cho dân số rất lớn ở các đô thị này như thế nào? Đó là còn chưa nói đến, chuyển trung tâm HCQG lên chân núi Ba Vì, sau năm 2030 sẽ gây sự xáo trộn hệ thống giao thông, thị trường bất động sản, cuộc sống của hàng vạn gia đình phải di chuyển chỗ ở, chỗ làm việc hoặc chỗ ở cách nơi làm việc quá xa, bất tiện đi lại. Bên cạnh đó thiếu sự an toàn, an ninh do cơ quan đầu não quốc gia cách ly với dân cư.
Riêng về trục Thăng Long - theo đồ án quy hoạch thật hoành tráng nhưng lại hoàn toàn không có giá trị lịch sử văn hoá, kinh tế xã hội và nếu xây dựng trục đường này sẽ là một lãng phí rất lớn. Hoàn toàn không thể ví trục Thăng Long này giống như đại lộ Champs - Elysees ở Paris, đại lộ Washington DC hay đại lộ trước Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vì tất cả các đại lộ này đều ở lõi lịch sử của Thủ đô, như là Thuyết minh đồ án Quy hoạch đã trình bày. Lại nói về tâm linh, một số chuyên gia quy hoạch đô thị và chuyên gia lịch sử còn có suy tưởng trục Thăng Long này kết hợp với đường vành đai 4 tạo nên một cung tên bắn thẳng lên Ba Vì, tương tự năm Đinh Sửu (1379) Hồ Quý Ly xây dựng Tây Đô ở Thanh Hoá đã xây dựng trục “Tiền lô” hợp với Cung Sơn trở thành mũi tên bắn thẳng vào thành Tây Đô, mà theo truyền thuyết đó là nguyên nhân dẫn đến nhà Hồ sụp đổ.
Tác giả bài viết: Duy Phương
Nguồn tin: Đại đoàn kết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tham khảo ý kiến khách hàng
Đang truy cập :
14
Hôm nay :
2552
Tháng hiện tại
: 54619
Tổng lượt truy cập : 6598869