Vấn đề cấp bách
Thứ tư - 15/09/2010 08:28

Sạt lở đất ở phường Ngọc Lâm và Ngọc Thụy, quận Long Biên diễn ra nhiều năm làm
sụp đổ nhiều ngôi nhà và các công trình.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố có hơn 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, trong đó gần 1.400 hộ (chiếm 31,6%) phải di dời đến nơi ở mới, tập trung tại 74 xã thuộc các huyện Ba Vì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thường Tín và Sóc Sơn... Do chịu ảnh hưởng tác động lớn của thiên tai nên nhiều hộ mất ruộng, vườn sản xuất, chưa kể nguy hiểm luôn rình rập.
Lúng túng, thiếu kiên quyết
Thực hiện Quyết định 193 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, trong các năm 2006-2008, Hà Nội đã tổ chức di dân tái định cư (TĐC) tập trung cho 169 hộ, 750 khẩu tại các xã Tản Hồng, Châu Sơn (Ba Vì), phường Phú Thịnh (Sơn Tây)... Sở NN&PTNT đang lập dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng khu TĐC cho 457 hộ dân còn nằm phía ngoài dọc 5,4km đê sông Hồng trên địa bàn thị xã Sơn Tây...
Mặc dù công tác di dời đã được triển khai ở một số nơi song việc bố trí TĐC cho các hộ dân vùng sạt lở vẫn còn nhiều vướng mắc. Ông Lê Đăng Lập, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy (Long Biên) cho biết: Đa số hộ nằm trong vùng sạt lở không "mặn mà" với việc chuyển đến khu TĐC mới. Chỉ hộ nào bị sạt lở mất đất hoàn toàn mới chịu di dời, những hộ còn đất là kiên quyết bám trụ. Năm 2007, trong số 10 hộ có quyết định di dời đến điểm TĐC do quận bố trí thì chỉ có 7 hộ chuyển đi. Năm 2008, chỉ có 1/7 hộ có quyết định di dời chuyển đến nơi ở mới. Nguyên nhân do đất TĐC cấp theo quy định của Nhà nước hạn chế (chỉ từ 40-80m) trong khi đó, diện tích của các hộ hiện tại lớn hơn nhiều, một số hộ cho biết nếu nhận đất TĐC cũng không có tiền để làm nhà nên không nhận...
Ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, ngay sau khi xảy ra sạt lở năm 2005, địa phương đã quy hoạch diện tích để làm khu TĐC cho các hộ dân vùng sạt lở. Tuy nhiên, do bố trí khu TĐC không hợp lý ở khu vực ngoài đê, gần bờ sông thuộc thôn Tiên Tân nên không thực hiện được, phải xây dựng lại phương án TĐC.
Ông Trần Hoài Nam, Chi cục PTNT (Sở NN&PTNT Hà Nội) thừa nhận công tác di dân vùng sạt lở thời gian qua còn chậm. Bản thân những hộ phải di dời không thực sự muốn đi nếu như diện tích chưa bị sạt lở còn nhiều. Trong khi đó, việc TĐC gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn chế. Công tác quản lý điều hành các dự án di dân ở nhiều huyện còn lúng túng, chỉ đạo thiếu tập trung, nhiều khi xem nhẹ công tác thông tin... Do đó, ngoài di dân, tập trung đầu tư, tăng cường kè ốp bờ sông bằng hệ thống đê và công trình chống sạt lở đất… là biện pháp ổn định dân cư tại chỗ ít xáo trộn nhất. Hiện nay, Sở NN&PTNT đang trình UBND TP Hà Nội "Báo cáo thẩm định phê duyệt dự án rà soát, bổ sung quy hoạch các khu dân cư, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020". Trước mắt, giai đoạn 2010-2015, toàn thành phố sẽ di dời 1.421 hộ, trong đó 1.343 hộ TĐC tập trung và 78 hộ xen ghép tại địa bàn nội thôn. Ngoài ra, các công trình ổn định dân cư, hỗ trợ sản xuất, dạy nghề cho các hộ thuộc vùng đặc biệt khó khăn, các hộ không có đất sản xuất cũng sẽ được triển khai nhằm tạo điều kiện cho các hộ di dân có cuộc sống ổn định.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành và một số địa phương về công tác di dân phòng tránh thiên tai, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các cấp chính quyền phải quy hoạch, bố trí di dời dân cư khỏi các vùng nguy hiểm để từ nay đến năm 2015, di dời khoảng 110.000 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở ven sông, ven biển và lũ ống, lũ quét, xen ghép, ổn định 250.000 hộ ở các vùng bán ngập chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Tác giả bài viết: Nguyễn Mai
Nguồn tin: Hà nội mới online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tham khảo ý kiến khách hàng
Đang truy cập :
9
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 8
Hôm nay :
1126
Tháng hiện tại
: 53473
Tổng lượt truy cập : 6318418